Chất lượng không khí tại Hà Nội đáng báo động, MỌI NGƯỜI RA ĐƯỜNG ĐEO KHẨU TRANG CHUYÊN DỤNG
Lúc 8h50 sáng 26-9, ứng dụng quan trắc không khí Airvisual, hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới ghi nhận Hà Nội là thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, vượt qua cả Jakarta của Indonesia với chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên ngưỡng 204.
Theo bảng xếp hạng AQI của Việt Nam, chỉ số AQI lên ngưỡng trên 200, chất lượng không khí thuộc ngưỡng xấu – rất có hại cho sức khỏe, nhóm nhạy cảm, người già, trẻ nhỏ cần hạn chế ra ngoài.
Hệ thống quan trắc PAMAir của Việt Nam cũng ghi nhận kết quả tương tự, kết quả ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ sáng nay với chỉ số AQI ở hầu hết các điểm đo lúc 7h sáng. Chỉ số chất lượng không khí từ 150-200 – ngưỡng chất lượng không khí kém, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhóm người già, trẻ nhỏ cần hạn chế ra ngoài.
Một kết quả quan trắc khác cũng ghi nhận chất lượng không khí ở khu vực huyện Đông Anh (Hà Nội) trong tối 25-9 có thời điểm AQI lên tới 228.
Cũng trong sáng 26-9, hệ thống quan trắc ở nhiều điểm của Hà Nội đều cho kết quả ngưỡng chất lượng không khí ở mức kém, ô nhiễm nghiêm trọng ở các khu vực Minh Khai (Bắc Từ Liêm), Hàng Đậu (Hoàn Kiếm).
Ghi nhận tại Hà Nội sáng 26-9 cho thấy thành phố đang trong tình trạng như sương mù bao phủ, trời lặng gió, không khí ngột ngạt.
Còn ở TP.HCM, sau 1-2 ngày chất lượng không khí được cải thiện, sáng nay Airvisual ghi nhận mức độ ô nhiễm ở TP.HCM xếp thứ ba thế giới với chỉ số AQI trung bình là 173.
Hệ thống PAMAir cũng ghi nhận TP.HCM hôm nay ô nhiễm nghiêm trọng với nhiều điểm có chỉ số AQI lên trên 150.
Ngoài hai thành phố Hà Nội, TP.HCM, nhiều tỉnh ở khu vực phía Bắc cũng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Tại Nghệ An, thành phố Vinh có thời điểm chỉ số AQI lên ngưỡng trên 200, tiếp sau là tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định cũng có chỉ số ô nhiễm không khí ở ngưỡng kém.
Theo một chuyên gia, các tỉnh miền Bắc đang trong vụ mùa, việc đốt rơm rạ tràn lan gây nên tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động.
Cần phải có chế tài cũng như các phương án thu gom rơm rạ sau mỗi vụ mùa, để phòng tránh tình trạng ô nhiễm không khí càng ngày càng tăng cao.
Chuyên gia môi trường cũng khuyến cáo người dân chủ động các biện pháp giảm thiểu tác động từ ô nhiễm không khí như mang khẩu trang đủ tiêu chuẩn để ngăn bụi mịn, té nước xuống lòng đường để giảm bụi bay vào các nhà mặt phố, sử dụng các máy lọc không khí trong nhà.
Tại sao PM 2.5 được gọi là “sát thủ vô hình”
Theo Health, vì bụi mịn nhỏ có xu hướng ở lại trong không khí lâu hơn các hạt nặng hơn. Điều này làm tăng cơ hội cho con người và động vật hít chúng vào cơ thể. Nhờ kích thước nhỏ nhất của chúng, các hạt nhỏ hơn 2,5 micromet có thể đi qua mũi và cổ họng, xâm nhập sâu vào phổi và một số thậm chí có thể xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn.
Các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc tiếp xúc với các hạt mịn và tử vong sớm do bệnh tim và phổi. Bụi mịn cũng được biết là gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh mãn tính như hen suyễn, viêm phế quản và các vấn đề hô hấp khác.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy rằng việc tiếp xúc lâu dài với PM 2.5 có thể dẫn đến sự lắng đọng mảng bám trong động mạch, gây viêm mạch máu và xơ cứng động mạch cuối cùng có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã chứng minh được mối liên quan giữa bụi mịn và dị tật bẩm sinh ở bà bầu.
Trẻ em, người lớn tuổi và nhóm người có bệnh tim phổi cần có biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi chỉ số PM 2.5 xung quanh vượt qua mức không lành mạnh.